Nợ 200 triệu euro, cựu á quân C1 có nguy cơ phá sản

Hơn 200 triệu euro là tổng số nợ của Sampdoria mới được cập nhật bởi Eugenio Bissocoli, luật sư đang thực hiện việc thương lượng nhằm giải quyết khủng hoảng cho đội chủ sân Luigi Ferraris. Con số ấy còn có thể được cộng thêm 50 triệu euro dựa trên sự tính toán của cơ quan tư vấn tài chính Merlyn Partners và chuyên gia Alessandro Barnaba vào tháng 12 năm ngoái.

Về cơ bản, khoản nợ của Sampdoria gồm 6 hạng mục chính: các khoản vay ngân hàng được thực hiện trong thời kỳ đại dịch được Nhà nước bảo lãnh đối ứng; các khoản vay từ trung tâm thể thao Bogliasco; các khoản nợ liên quan đến việc chiêu mộ cầu thủ bóng đá, HLV (bao gồm số tiền trả cho đối tác và tiền lót tay cho người đại diện; khoản nợ thuế; số tiền nợ những cầu thủ, nhân viên đã bị bán hoặc sa thải.

 - Bóng Đá

 Sampdoria từng có một quá khứ hào hùng.

Mới đây, ban lãnh đạo Sampdoria đã nộp đơn lên Tòa án dân sự Genova để việc xác nhận tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ không được công bố. Yêu cầu này đã được phía Tòa án chấp thuận. Sampdoria có thể kết thúc mùa giải 2022/23 trong tình trạng an toàn về mặt tài chính. Các chủ nợ cũng không được gây sức ép lên đội chủ sân Luigi Ferraris. Tuy nhiên, “tấm lá chắn” ấy chỉ có hiệu lực trong 120 ngày. Nếu không thể giải quyết mọi thứ đúng hạn, Sampdoria sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Quyết định của tòa án khiến cho các đối tác của Blucerchiati gặp rất nhiều khó khăn. Trong số này, có một nhóm người cũ có thỏa thuận nhận lương dựa trên số trận đấu của Sampdoria. GenovaRent, đơn vị tìm kiếm HLV cho đội chủ sân Luigi Ferraris, còn rơi vào tình cảnh oái oăm hơn. Đến nay, họ chỉ nhận được số tiền gần bằng những gì họ phải bỏ ra để thuê khách sạn ở Turin, Roma. Trong khi đó, tiền vé máy bay đến Roma, Lecce, Udinese và Napoli đã được ban lãnh đạo Sampdoria chủ động thanh toán (nghĩa là phía GenovaRent không được hưởng số tiền dư ra sau khi khấu trừ chi phí thực).

Bên cạnh đó, Sampdoria còn nợ chi phí dành cho cơ quan phụ trách an ninh của CLB; các đội bóng như Molassana, Genova Calcio; dịch vụ ăn uống ở sân Luigi Ferraris; đơn vị phụ trách việc di chuyển của người hâm mộ; các công ty nhỏ cung cấp dịch vụ thể thao, văn phòng; và cả… chính quyền thành phố. Tất cả những khoản nợ này đều tồn tại dưới thời Chủ tịch Massimo Ferrero.

 - Bóng Đá

 Cựu Chủ tịch Ferrero khiến Sampdoria rơi vào tình cảnh nợ nần.

Hiện tại, Sampdoria không có khả năng chi trả số nợ lên tới 200 triệu euro. Ban lãnh đạo Blucerchiati đang mong chờ một nhà đầu tư ở nước ngoài ra tay giải cứu. Nhưng liệu có ai còn mặn mà với một đội bóng không có kế hoạch phát triển rõ ràng, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng? Sampdoria không còn nhiều thời gian để giải quyết tình hình. Nếu điều này còn tiếp tục đến tháng 6/2023, đội chủ sân Luigi Ferraris sẽ phá sản, giống như Parma, Chievo, Cesena hay nhiều CLB khác ở Italia.

(Bạn đọc: Thường Châu)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các
quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 21:51 02/03/2023