Quá nhiều chấn thương, vì đâu nên nỗi?

Chỉ sau 1 vòng đấu khai màn của một số giải VĐQG hàng đầu châu Âu, số ca chấn thương đã nhiều đến mức đáng quan ngại. Thủ môn Thibaut Courtois và trung vệ Eder Militao của Real Madrid đều dính chấn thương nghiêm trọng, nghỉ thi đấu từ 6 tháng đến cả mùa giải.

Nghiêm trọng hơn, giải Ngoại hạng Anh còn có thể xếp nguyên một đội hình gồm những cầu thủ đã dính chấn thương. Như thường lệ, các đội bóng lớn vẫn chịu nhiều thiệt hại nhất, như Chelsea mất Wesley Fofana, Christopher Nkunku, mới nhất còn có Reece James và Trevoh Chalobah gặp vấn đề. Arsenal tổn thất tân binh Jurrien Timber dù ban đầu cầu thủ này có vẻ không bị đau, Ryan Sessegnon của Tottenham, Kevin De Bruyne của Man City,… một danh sách quá dài ngay trong ngày khai màn mùa giải.

Một cơn bão chấn thương càn quét qua các giải VĐQG hàng đầu châu Âu kiểu này trước kia thường chỉ được đổ lỗi cho “virus FIFA”, nhưng 1 tháng vừa qua không hề có FIFA Days nào diễn ra. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Quá nhiều chấn thương, vì đâu nên nỗi? - Bóng Đá

Những chấn thương dây chằng liên tiếp xảy ra khiến NHM phải rùng mình.

Để có câu trả lời toàn diện, chắc chắn sẽ cần đến những nghiên cứu trên diện rộng, được đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, cho đến khi một kết luận “chính thức” được đưa ra, giới mộ điệu vẫn sẽ đồng tình với nhận định tương tự như mỗi khi “virus FIFA” từng được nhắc đến: các cầu thủ đang bị quá tải với lịch thi đấu của bóng đá hiện đại.

Ngày nay, mùa giải của các đội bóng lớn thuộc top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu bắt đầu từ cả tháng trước trận đấu chính thức đầu tiên. Tập trung sớm chỉ sau khoảng 1 tháng nghỉ ngơi trọn vẹn, các cầu thủ chẳng được tập luyện nhiều trước khi lao ngay vào loạt trận giao hữu tiền mùa giải.

Áp lực hơn, tiền mùa giải ngày nay cũng rất khác xưa, không chỉ là đấu tập với các đội bóng địa phương lân cận, mà là bay đi khắp thế giới để trình diễn cho CĐV quốc tế. Những chuyến bay ấy cũng không còn là “đặc quyền” riêng của nhóm đại gia, ngay cả các CLB ít tên tuổi hơn như Aston Villa, Brighton, Fulham cũng đã bay xa khỏi xứ sở để chiếm lấy miếng bánh thị phần quốc tế.

Không chỉ lịch trình dày đặc 5-6 ngày/trận, kết hợp với di chuyển triền miên, các cầu thủ còn phải đối mặt với khó khăn về điều kiện thi đấu. Chính HLV Mauricio Pochettino của Chelsea đã than phiền về việc đội bóng của ông đã phải đá giao hữu trên những sân đấu không đảm bảo chất lượng ở Mỹ, như những sân bóng chày hay mặt cỏ đã bị nhiều môn thể thao khác nhau giày xéo.

Quá nhiều chấn thương, vì đâu nên nỗi? - Bóng Đá

Trận giao hữu giữa Barcelona và Real Madrid hè 2023, CĐV đã phát hiện BTC sử dụng “mánh” sân xanh mặt cỏ để che lấp khuyết điểm.

Hãy chú ý đến tỷ lệ chấn thương dây chằng rất lớn trong những ca chấn thương đã được nhắc đến – Timber, Courtois, Militao, hay Tyrone Mings của Aston Villa, và hầu hết là chấn thương ngay khi đang thi đấu trên sân. Áp lực lên cơ thể cầu thủ được tích lũy trong quãng thời gian dài, trong quá trình thi đấu chỉ cần một tác động kích hoạt như va chạm, vào bóng, tiếp đất hay sút bóng không đúng kỹ thuật,… sẽ gây đứt, giãn những sợi chằng mỏng manh, những dây cơ nhạy cảm. Chấn thương dài hạn là không thể tránh khỏi.

Nhìn sang các bộ môn thể thao đối kháng khác, xu hướng gia tăng chấn thương – dây chằng nói riêng và các chấn thương dài hạn nói chung – do lịch thi đấu nặng nề cũng ngày một rõ nét. Các nữ cầu thủ bóng đá thậm chí còn chịu nguy cơ chấn thương cao hơn đồng nghiệp nam, khi tổng cộng đã có đến 30 cầu thủ hàng đầu vắng mặt tại VCK World Cup nữ 2022 vì chấn thương dây chằng.

Quá nhiều chấn thương, vì đâu nên nỗi? - Bóng Đá

Ở các môn thể thao khác như bóng rổ, bóng bầu dục, chuyện các siêu sao chấn thương nghỉ nguyên mùa cũng đang ngày càng phổ biến.

Giai đoạn đấu vòng tròn của giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) có đến 82 trận đấu chỉ trong vòng 6 tháng, con số khủng khiếp yêu cầu các đội bóng nhiều lần phải thi đấu 2 trận trong 2 ngày liên tiếp, thậm chí 3 trận làm khách trong 4 ngày! Áp lực ấy khiến nhiều ngôi sao của giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh phải nghỉ thi đấu đến 1-2 mùa giải liền, như các trường hợp của Stephen Curry, Klay Thompson, Kevin Durant,…

Bóng bầu dục, bóng ném, gần như tất cả các môn thể thao đối kháng được thương mại hóa đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cơ thể của vận động viên đã bị đẩy tới giới hạn cao nhất.

Trở lại với những ngôi sao bóng đá, cơn bão chấn thương gần đây thậm chí có thể vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Mùa hè năm sau, một kỳ FIFA Club World Cup với 32 đội sẽ được đưa vào thực tiễn, UEFA Champions League gia tăng số trận, và những giải đấu mới còn có xu hướng ra đời tiếp nối. Các cầu thủ lúc này có lẽ chỉ còn biết cầu nguyện để bản thân không phải là nạn nhân tiếp theo, trong bối cảnh các nhà quản lý dường như đang “nhắm mắt làm ngơ”.

(Bạn đọc: Ngọc Bách)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các
quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 21:50 18/08/2023